Hè này, mình đi linh thao
Mình đã có 4 ngày sầu khổ?
Mình đòi điều khiển Thần Khí?
Mình đã tìm thấy Đức Mẹ như nguồn trợ lực?
Mình được Chúa Thánh Thần dạy dỗ theo cách không ngờ?
Như một truyền thống tốt đẹp trong đời sống thiêng liêng, mỗi năm mình đều cố gắng sắp xếp đi linh thao một chuyến để có dịp hâm nóng lại tình cảm với Chúa-của-mình. Biết thân biết phận từ lần trước, khi đi chuyến này, mình không hề mong đợi gì, cũng không kì vọng gì. Mình chỉ đi với một lòng khao khát thuần tuý được thinh lặng cầu nguyện, được có một khoảng dài gặp gỡ Chúa sau một năm ồn ào bận rộn. Đã xác định từ trước, vậy mà mình vẫn “vấp” lên xuống bao nhiêu lần ở đợt này. Tuy vậy, sau khi kết thúc 5 ngày, mình vẫn có thể ghi ra được những lời tạ ơn với trạng thái bình an và nhẹ nhõm.
.
.
.
Trước hết, con phải tạ ơn Chúa vì 5 ngày linh thao. Để có được chuyến đi này, Chúa đã nhận lời cầu xin của con, giúp con sắp xếp công việc ổn thoả, đưa con đi đến nơi, về đến chốn được bình yên.
Thứ đến, con tạ ơn Chúa vì nhờ lần linh thao này, Chúa dạy cho con biết cách đọc những chuyển động nội tâm để nhận diện khi nào mình đang ở trong trạng thái sầu khổ, khi nào ở trong trạng thái an ủi và cách thức ứng xử cho phù hợp. Có lẽ đây chính là kinh nghiệm đáng nhớ nhất trong “tuần trăng mật” này. Trong hơn 5 ngày Linh Thao ở Cần Thơ, con ở trong trạng thái sầu khổ đến 4 ngày. Trong những ngày đó, con đã đi qua gần hết những trạng thái được Thánh I-Nhã mô tả về sầu khổ thiêng liêng: đó là cảm giác tối tăm và xao xuyến, lo lắng và bối rối khi gặp phải những cám dỗ; là cảm giác mất đi niềm tin tưởng, hy vọng và yêu mến Thiên Chúa; là sự uể oải, u buồn; và điều khủng khiếp nhất chính là cảm giác như bị lìa xa khỏi Thiên Chúa. Trong những giờ cầu nguyện, con không hề cảm thấy chút nào sự hiện diện của Chúa. Chúa, lúc ấy, dường như hoàn toàn vắng mặt, không hề lên tiếng - chỉ có sự thinh lặng bao trùm lấy con. Trong sự vật vã, con mới có thể nhận ra, sự vắng mặt của Thiên Chúa khủng khiếp đến mức độ nào. Ấy vậy mà, đã bao lần trong sự ồn ào vội vã của đời sống, con đã chủ động lên kế hoạch cắt đứt mối dây liên lạc với Chúa để dễ bề định đoạt cuộc sống theo ý mình. Nếu không sống trong bầu khí thinh lặng tuyệt đối của Linh Thao, con sẽ không thể nào biết, bình thường mình vẫn sống, mà không cần đến Chúa, theo kiểu tệ hại như vậy.
Sau đó, trong sự sầu khổ thiêng liêng, Chúa đã dạy con học được đức vâng lời. Con đã không còn đòi điều khiển Thần Khí nữa. Hầu như những lời than thở nài xin được an ủi của con, Chúa đều không nhận. Như lời Thánh I-Nhã, Chúa đã rút hết lòng mến nồng nàn và ân sủng mãnh liệt, nhưng vẫn để lại ân sủng đủ cho sự sống đời đời. Mình phải nỗ lực chiến đấu và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa.
Và quan trọng nhất là, con học biết rằng, phải vâng lời Chúa khi tin tưởng nơi người đồng hành của mình, vì người ấy sẽ giúp dẫn con đến với Chúa Thánh Thần. Nhờ đồng hành, con học biết phải từ bỏ những kinh nghiệm cá nhân vốn có, phải buông tay ra, để Chúa dắt đi. Chính khi con buông hết, thì Chúa lại đổ vào đầy hơn, nhiều hơn những gì mà con mong đợi. Nhờ đồng hành, con có dịp hy sinh hãm mình hơn, nghiêm túc hơn trong giờ cầu nguyện, biết duyệt xét lại bản thân để quảng đại và chân thành với Chúa hơn. Nhờ đồng hành, con đọc lại bộ nhận định thần loại lúc gặp khó khăn. Chính khi đọc lại bộ nhận định ấy, mà con được Chúa an ủi. Lần này, nhờ ánh sáng từ Chúa, con đã hiểu những gì được viết ra trong sách Linh Thao bằng chính trái tim và tâm hồn của mình, chứ không chỉ là câu từ với lí trí.
Cũng trong cơn sầu khổ, Chúa đã giúp con hạ thấp những kì vọng của mình xuống đến tận cùng, gần như không còn xin điều gì nữa ngoại trừ lòng yêu mến Chúa. Trong sự đau khổ, con không thể nào nói yêu Ngài được, vì con không cảm thấy một chút gì là yêu mến cả. Nhưng rồi Chúa vẫn thương con, cho dù con không hề hiểu được tình thương đó. Vào cái giây phút cuối cùng của giờ cầu nguyện cuối cùng, khi đã buông hết những mong đợi quá lố của mình, con có thể nhẹ nhàng thốt lên rằng, “Con xin yêu Chúa một cách bình thường, như một con người bình thường”. Cho dù thế nào đi nữa, không được an ủi, không có bất cứ lay động mạnh mẽ nào, con vẫn yêu Chúa. Con phải cảm ơn Ngài, vì cuối cùng, con cũng có thể cất tiếng để xác nhận tình yêu với Chúa. Con cứ nghĩ rằng, chuyện đó vốn là điều bình thường thôi, thế mà, để có thể yêu Chúa được, cũng là ơn của Chúa. Con xác quyết, dù Chúa có ban ơn an ủi hay không, thì Chúa vẫn luôn thương con. Vì Chúa biết con đang cần gì. Vậy là, Chúa đã cho con được kết nguyện một cách rất trọn vẹn và êm ái.
Và thật vui, khi giữa những ngày sầu khổ, con tìm được điều ngọt ngào êm ái an ủi tâm hồn mình. Con tìm thấy Đức Mẹ. Như kinh nghiệm vốn có, thường, con sẽ cầu nguyện rất sốt sắng ở tuần 3, nhất là với sự thương khó. Ấy vậy mà lần này, con không hề cảm thấy một chút lay động nào trong nội tâm. Bước vào đường cùng, con chợt nhớ tới Mẹ. Con đã tâm sự với Mẹ để xin Mẹ đồng hành và dẫn lối, xin Mẹ cho con đi vào trái tim của Chúa, ngang qua trái tim của Mẹ. Đức Mẹ thinh lặng thế nào, thì cách Mẹ cùng đi với con cũng lặng lẽ như thế. Có thể hình dung về Mẹ giống như ánh trăng vậy. Trong đêm tối của sầu khổ, Mẹ đồng hành một cách nhẹ nhàng, êm ái. Tuy ánh trăng không sáng tỏ rực rỡ chói sáng như mặt trời làm xua tan màn đêm, nhưng ánh sáng ấy giúp đem lại niềm hy vọng cho kẻ đang chới với. Khi chọn 1 chặng để viết suy niệm trong đàng thánh giá, con đã chọn chặng thứ 4: “Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ”, nhờ Mẹ, con đã đi qua được những giờ phút sầu khổ dai dẳng. Đức Mẹ đã dẫn con vào trái tim của Mẹ, để con biết, Mẹ yêu Chúa Giêsu như thế nào, và con xin cũng được yêu mến Ngài như vậy.
Cuối cùng, con tạ ơn Chúa, vì Linh Thao đã ngày càng trở nên gần gũi hơn với đời sống thường ngày. Trong dự tính của mình, với kinh nghiệm sẵn có, con đã bước vào 5 ngày linh thao với thái độ cực kì cẩn trọng. Tuy nhiên, khác với những năm trước, điều mà con không ngờ chính là: suốt 5 ngày cầu nguyện, mình ở trong tình trạng sầu khổ thiêng liêng hết gần 4 ngày. Biết rằng Chúa Thánh Thần thì luôn luôn mới mẻ và có những món quà bất ngờ, nhưng lần này thì đúng là hơn cả bất ngờ. Nhưng cho dù là sầu khổ như thế, thì khi được ơn an ủi, con vẫn cảm thấy 4 ngày đau khổ kia cực kì có giá trị. Lần này này khi bước ra khỏi Linh Thao, con không ở trong trạng thái sung sướng ngây ngất như ở trên thiên đàng nữa, mà cảm giác êm ái và thoải mái nhẹ nhàng hơn, nhưng mà dư âm dài hơn và thực tế hơn. Sau lần Linh Thao này, con cảm thấy Linh Thao đang ngày càng gần gũi hơn với cuộc sống của mình, không còn có cảm giác chơi vơi hụt hẫng như từ trên trời rớt xuống mặt đất nữa.
Sau đợt Linh Thao hè này, con phải cảm ơn Chúa, và cảm ơn 4 hành trình Linh Thao Trong Cuộc Sống mà con được tham dự, cũng như cảm ơn các điều hợp viên đã từng đi với mình qua 4 hành trình đó. Đặc biệt gần đây nhất phải kể đến hành trình 4, tưởng đâu là không có gì để ghi lại, nhưng không ngờ đó là cảnh đầu của cả một chương trình tuyệt vời mà Chúa dành tặng. Nhờ có những kinh nghiệm và kiến thức được học từ LTTCS mà con hiểu hơn về Linh Thao, về cách thức cầu nguyện, về phân định thần loại. Nếu có thể so sánh, con sẽ thấy LTTCS giống như cơm ăn mỗi ngày vậy, không thể thiếu và giúp đời sống cầu nguyện của mình lớn lên từng ngày. Còn Linh Thao hè mỗi năm giống như là một bàn tiệc thịnh soạn Chúa bày ra, để con, mỗi năm một lần, được hưởng nếm tất cả sự tuyệt vời của đời sống cầu nguyện.
Thưa Chúa, con yêu Chúa, như một người bình thường, theo một cách bình thường. Cảm ơn Ngài.
Đa Minh Nguyễn Ngọc Giám
Linh Thao Giới Trẻ tại Cần Thơ, 2023.