XEM THEO KHÓA LINH THAO

CẢM NGHIỆM LINH THAO Viết cảm nghiệm

  • Madalena Nguyễn Thị Kim Ngọc 12-09-2023
  • CÀNG BỊ CHỐI TỪ CÀNG YÊU

    (Bạn nên cân nhắc trước khi đọc bài này vì có thể bạn cần phải kiểm soát cảm xúc của mình một chút).

    Hôm nay đã hơn một tháng sau kỳ linh thao của mình. Bài cảm nhận này mình đã viết và chia sẻ trong khoá linh thao. Mình rất phân vân và nghĩ sẽ không đăng vì nó khá nhạy cảm. Nhưng cuối cùng mình đã làm ngược lại vì biết đâu ở đây, một ai đó bắt gặp hình ảnh của mình và người ấy biết là họ không đơn độc.

    Chủ đề trong khoá linh thao của mình là GẶP CHÚA, đó cũng là khát khao của mình khi đến với khoá linh thao này. Mình có nhiều điều muốn nói với Chúa về hành trình vừa qua của mình, mình có nhiều tình cảm muốn cho Chúa biết. (Mặc dù những điều đó Chúa đã biết từ lâu. Hihi). Và Chúa đã cho mình được thỏa lòng.

    Chúa cho mình thấy Chúa qua từng bữa ăn, mọi người không nói với nhau một lời nào, nhưng tràn đầy yêu thương thể hiện qua từng cử chỉ quan tâm, cách mọi người chia sẻ thức ăn, mỗi khi ăn xong mình thường ngồi nhìn từng người trong bàn và muốn trao cho họ một cái…ôm.

    Mình cũng thấy Chúa qua những buổi chiều, khi tiết trời Đà Lạt mưa lất phất, mang theo những cơn gió lạnh, chẳng hiểu mình lang thang tìm Chúa thế nào mà luôn là người đi tắm sau cùng - không có nước nóng để tắm. Chắc bạn hiểu cảm giác tắm nước lạnh khi trời lạnh thế nào rồi! Miệng niệm “không lạnh, không lạnh, không lạnh…” và chân thì nhảy Disco. Mình đã từng nghĩ sẽ xin về vì mình không chịu được thay đổi nhiệt độ ở đó nhưng Chúa thương cho mình vượt qua thử thách 5 ngày tắm nước lạnh, gét gô. Hihi

    Chúa cho mình gặp Người qua những đêm tối không ngủ được vì trời lạnh (có lẽ sức chịu lạnh của mình kém nên không kịp thích nghi), mình thức đến 2, 3 giờ sáng. Nhưng lúc ấy mình không cảm thấy không cô đơn, đó là cơ hội để mình nhớ đến mình có Chúa và có Người trò chuyện xuyên đêm dài.

    Và còn nhiều lần gặp Chúa nữa, nhưng lần mình gặp Chúa, rõ nét nhất, gần nhất là sau gợi điểm cầu nguyện “Gặp Chúa trong cô đơn xao xuyến”. (Bạn có thể tìm đọc Kinh thánh Mt 26, 36 - 46). Chúa Giêsu và các môn đệ trong vườn Dầu trước khi Người chịu nộp. Trong gợi điểm sơ Trang có nhắc đến một trường hợp làm sơ bàng hoàng và “lặng” một thời gian sau đó. Trường hợp ấy là một bạn trẻ, sơ từng biết đến đã tự tử vì trầm cảm. Khi nghe sơ chia sẻ, mình rất buồn, mình thương bạn ấy khi phải đau đớn đi đến quyết định ấy như một sự giải thoát. Vì mình cũng từng bước qua giai đoạn ấy. Thật sự nó rất khủng khiếp. Và sơ hát bài hát sơ sáng tác cho bạn ấy (mình đã xin phép sơ trước khi viết ở đây).

    CÁCH BIỆT - (Chậm, thổn thức)

    “ĐK: Chỉ vài bước thôi biển trời cách xa vời vợi.
    Chỉ vài bước tới mà sao giống như vực sâu.
    Chỉ vài bước nữa mà sao như không thể tới.
    Bước lui vài nhịp ôi trần trụi phận người.

    1. Bước đường tình yêu em cố bước, vạn dặm xa cung đường yêu thương.
    Em vẫn bước mà tim tan vỡ!
    Trái tim này phơi nhiễm đau thương.

    2. Ánh hồng bừng lên trong nắng mới, nguyện ngàn năm em được yêu thương.
    Hãy tặng nhau tình yêu dấn bước.
    Ước mong cùng chung hưởng an vui.”

    Sau khi nghe sơ hát xong, tim mình như tan nát. Mình không khóc vì có lẽ nước mắt đã chảy ngược vào trong nhìn theo trái tim tan vỡ. Mình thương bạn ấy, ở phía bên kia, thật nhiều! Mình không biết bạn ấy là ai, giới tính gì, ở đâu… Nhưng ngay lúc ấy, mình đã cầu xin Chúa tha thứ cho bạn và đón bạn. Mình vào nhà nguyện để cầu nguyện, đoạn đường đó bình thường thật gần nay trở nên quá xa! Trong nhà nguyện mình hình dung ra dáng vẻ người bạn ấy. Mỗi buổi sáng, hít thở, mở mắt ra thật khó khăn. Bạn tự vấn mũi ơi, đừng thở nữa có được không? Mắt ơi, đừng mở ra có được không? Mình mệt mỏi lắm rồi! Bước xuống giường là một điều khó khăn, cảm giác như sắp phải nhảy từ bên này sang bên kia mà phía dưới là vực sâu. Tay chân bạn như to lên gấp 10 lần, nặng nề và ghì người bạn ấy xuống. Bạn ấy không thể nói với người thân hay bất cứ ai vì sợ họ lo lắng cho mình. Trước mặt họ bạn ấy vẫn luôn tươi cười và tỏ ra mình ổn nhưng trong lòng là bão giông và nước mắt. Có thể, bên trong bạn, có một đứa trẻ cũng đang kêu cứu, nhưng đứa trẻ ấy không biết làm thế nào để họ nghe mình. Còn ở bên ngoài, ai đó cũng đang muốn giúp đỡ đứa trẻ ấy nhưng họ cũng không biết làm sao khi bạn ấy chưa thể mở lòng. Hoặc cũng có thể bạn ấy sợ bị dè bỉu, chê cười bạn ảo tưởng, suy nghĩ quá mức, mắc “bệnh”…(Người ta hay cho nó là bênh nhưng thật sự không phải, nó là sự thiếu vắng của bình an, của tình yêu, niềm tin, sự công nhận, lòng biết ơn…). Khi không thể chịu đựng nổi, bạn chỉ có thể tổn thương mình như một cách giải tỏa bớt những gì đang gánh chịu, mỗi ngày, mỗi ngày. Rồi cuối cùng, bạn tiến đến con đường kết thúc cuộc sống, từng bước, từng bước, từng bước một. Mỗi bước của bạn mình như muốn thét lên “Có ai không, làm ơn đến giúp bạn đi! Bạn ơi! Dừng lại đi! Chờ một chút thôi! Dừng lại đi có được không?” Nhưng cuối cùng thì… Mình kìm nén để đừng bật khóc và nhìn lên thánh giá Chúa, mình cầu xin Chúa đón bạn nơi ấy, dù bạn ấy đã làm gì.

    Trong đoạn kinh thánh ngày hôm ấy, Chúa Giêsu cầu nguyện lần thứ nhất “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này.” Trước cái chết, Chúa cũng xao xuyến đến đổ mồ hôi máu. Có lẽ bạn ấy cũng từng cầu nguyện với Chúa. Bạn đã rất cố gắng để không phải bước đi con đường ấy, nhưng vẫn không vượt qua được phút yếu lòng.

    Mình hỏi Chúa. Tại sao? Con biết Chúa yêu thương bạn, con biết bạn ấy cũng luôn cố gắng mỗi ngày. Nhưng tại sao bạn ấy lại không thể sống tiếp? Mình đọc Kinh Thánh để tìm câu trả lời. Mình bắt gặp lần cầu nguyện thứ hai của Chúa. “Lạy Cha, nếu cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” Và mình nhận ra, Chúa vẫn luôn yêu thương bạn ấy, càng thương nhiều Chúa càng tôn trọng sự tự do của bạn và Người càng không thể làm gì được khi bạn không cho phép. Chúa vẫn kề cận bạn. Chúa gởi đến bạn ấy ai đó sẵn sàng giúp đỡ bạn. Nhưng có lẽ tổn thương chồng chất trong bạn che mất lối ra vào, không cho bạn mở cửa đón nhận. Mình thấy Chúa ôm mặt khóc vì bị người thương chối từ. Mình thương Chúa khi chính Người là người quyền lực vô cùng nay dường như bất lực trước người mình thương, lặng lẽ dõi theo bóng người thương xa dần.

    Mình cũng nghĩ đến các bạn đang trong tình trạng thiếu vắng yêu thương, quan tâm và những điều tổn thương khác, ngày đêm phải chiến đấu cho sự sống của chính mình. Mình tin, Chúa vẫn kiên nhẫn, chờ đợi. Chỉ cần bạn mở lòng. Không chần chừ, Chúa sẽ len lõi vào để được gặp bạn, xoa dịu những tổn thương của bạn. Chúa vẫn luôn có cách thể hiện tình thương của mình, Chúa yêu bạn như chỉ có mình bạn trên đời. Hãy Chúa cho Chúa một cơ hội, cầu nguyện không ngừng và nói với Chúa “tay con nè, xin Chúa dắt con đi!”. Bạn sẽ vỡ oà khi biết Chúa yêu bạn đến dường nào.

    Chỉ cần bạn còn ước mong sống.

    Hãy cho mình thêm thời gian, yêu thương bản thân mình vì thân xác này là đền thờ Chúa Thánh Thần, là nơi linh hồn bạn trú ngụ, không có nó linh hồn bạn vất vưỡng nơi nao, không có thân xác này thì giỏi giang, hiểu biết, danh dự… có là chi. Khi buồn cứ khóc, khi căng thẳng hãy hét thật to hoặc đi đâu đó (có thể đến thăm một trại trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn bạn sẽ thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều). Khi bị chối từ, phản bội, bất công… hãy nhìn lên thánh giá Chúa, Chúa có làm hại ai, chẳng phải Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi nhiều người khỏi đói, chữa lành bệnh tật, vâng phục Đức Mẹ và Thánh Giuse… sao? Mà cuối cùng phải chết nhục nhã trên Thập Giá? Khi phải đối mặt với những điều trên đó là cơ hội để bạn nên giống Chúa. (Mình biết, cảm giác ấy không dễ chịu chút nào, nhưng mình tin vào ước muốn của bạn và ơn Chúa, bạn sẽ làm được)

    Cuối cùng, xin bạn hãy cho những người xung quanh (có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp…) một cơ hội. Bạn không cần phải tỏ ra cho họ biết là bạn ổn, để họ khỏi lo lắng hay sợ bị dè bỉu. Người yêu thương bạn sẽ luôn mở lòng với bạn, đón nhận bạn cho dù bạn tốt xấu thế nào, còn những người chưa sẵn lòng thì có lẽ họ cũng phải đối mặt với những bận tâm của riêng mình. Hãy cho họ biết bạn cần giúp đỡ. Hãy đón nhận sự giúp đỡ khi Chúa gởi đến như một món quà.  Tìm kiếm sự giúp đỡ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Mà đó là bằng chứng cho thấy rằng bạn muốn đi tiếp. 

    Ôm bạn và chấp nhận tất cả những gì thuộc về bạn! Bạn xứng đáng được HẠNH PHÚC để đi tiếp cuộc hành trình. Chúa hứa “Ta vẫn luôn ở cùng con cho đến tận cùng.” (Mt 28,20)